Sự tích Vu-lan

Xuất phát từ sự tích về Đại Đức Mục Kiền Liên (một trong 2 đại đệ tử của Phật Thích Ca) với lòng đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.

Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẹ ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.

Cũng theo kinh Vu-Lan-bồn, Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".[1]

Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu-Lan-Bồn Pháp). Từ đó, ngày lễ Vu-lan ra đời.

Vu Lan bồn kinh

Kinh Vu-Lan-Bồn (chữ Hán:佛說報恩奉盆經, bính âm:Fúshuō Bào'ēn Fèngpén jīng, Hán-Việt: Phật thuyết báo ân phụng bồn kinh, còn gọi là Phật thuyết Vu Lan Bồn kinh) là một bộ kinh Đại thừa, bao gồm một bài giảng ngắn gọn ("pháp thoại") được cho là bởi Đức Phật Thích Ca dạy nhà sư Mục Kiền Liên cách thực hành đạo hiếu, theo đó Phật dạy cách làm thế nào để có được sự giải thoát cho mẹ mình, và cách báo hiếu cha mẹ, những người đã được tái sanh vào cõi âm, bằng cách cúng dường thực phẩm cho Tăng đoàn vào ngày rằm tháng bảy, và nhờ lời chư Tăng chú nguyện mà được cứu độ.

Truyền thống Phật giáo cho rằng kinh này đã được dịch từ tiếng Phạn bởi cao tăng Trúc Pháp Hộ (chữ Hán:竺法護, sa. Dharmarakṣa, Đàm Ma La Sát) dịch vào khoảng cuối thế kỷ thứ III đầu thế kỷ thứ IV.[2] Tuy nhiên, các học giả gần đây thừa nhận rằng kinh này ban đầu không có gốc từ Ấn Độ mà được trước tác tại Trung Quốc vào giữa thế kỷ thứ sáu.[3] Văn bản gốc do Trúc Pháp Hộ dịch (hoặc được viết trong thời đại của ông) còn lưu lại đều không đề cập đến nhân thân của Tôn giả Mục Kiền Liên và câu chuyện của mẹ ông, mà chỉ trong các tác phẩm của người đời sau tại Trung Quốc, như Mục Kiền Liên minh gian cứu mẫu biến văn được xác định viết vào khoảng từ thế kỷ thứ V đến cuối thế kỷ thứ X, mới có kể về sự tích trên.[1] Cũng có giả thuyết cho rằng, câu chuyện Mục Kiền Liên là biến tấu từ chuyện Ưu Đa La mẫu đọa ngạ quỷ duyên, gọi tắt là kinh Ưu Đa La mẫu có viết trong mục "Chuyện ngạ quỷ" của bộ Tiểu bộ kinh, chỉ thay tên nhân vật từ Ưu Đa La (Uttara hay là Uttaramātu) thành Mục Kiền Liên và thay tên người giảng là một tỳ kheo thành lời giảng của đức Phật.[1]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vu-lan http://www.tuvienquangduc.com.au/VuLan/081ngayramt... http://www1.china.org.cn/english/olympic/211929.ht... http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/nguon_go... http://vietbao.com/p112a225340/qui-nhon-thang-bay-... http://www.bonodori.net/E/sekai/bonabc3.html http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/08/lang-dong-h... http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/08/thoi-trang-... http://www.asiasource.org/news/at_mp_02.cfm?newsid... http://www.bdkamerica.org/digital/dBET_ApocryphalS... http://www.chinaculture.org/gb/en_chinaway/2004-03...